Thông cáo nêu rõ: “Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng liên tục trên 80 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Là người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng đầu tiên và Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ, là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ toàn quân”.
Để tỏ lòng thương tiếc và biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Quân ủy Trung ương quyết định tổ chức tang lễ Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nghi thức quốc tang.
Ngọn đèn nhẹ nhàng tắt
Trong vòng 48 giờ qua, hầu khắp các tờ báo lớn trong nước và quốc tế, đều đã dành những vị trí nổi bật để nói lời vĩnh biệt vị tướng huyền thoại của thế kỷ 20.
Còn tại ngôi nhà của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) và tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy, Quảng Bình), quê hương ông, hàng ngàn người, trong đó có rất nhiều là những người trẻ tuổi, với những bó cúc vàng, cúc trắng trên tay và những dòng nước mắt lăn dài trên gương mặt tuổi hai mươi, đến tiễn biệt lần cuối vị Đại tướng của lòng dân.
Cộng đồng mạng vừa trải qua những đêm không ngủ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa trút hơi thở cuối cùng vào chiều tối 4/10, ngay đêm hôm đó, rất nhiều người đã thay avatar (hình đại diện) của mình trên Facebook bằng một tấm hình hay một bức ký họa chân dung của Đại tướng cùng những lời tiếc thương dù biết rằng ông đã vào Quân y viện 108 từ rất lâu.
37 người là bác sĩ, điều dưỡng, cấp dưỡng và công vụ của khoa A11 Bệnh viện Quân y 108 là những người đã gắn bó với Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong suốt 1.559 ngày đêm. Đại tướng nằm tại đây (ông nhập viện từ ngày 24/6/2009), không ai không trải qua những giây phút nghẹn ngào.
Là bác sĩ điều trị chính cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thượng tá bác sĩ Vũ Phi Hải - Phó chủ nhiệm khoa A11 rưng rưng: “Dù nhiều lần trải qua những giây phút rất nguy hiểm nhưng Đại tướng tỉnh táo đến giây phút cuối cùng”.
Anh Võ Hồng Nam, con trai út, gọi những ngày nằm viện của cha mình là một kỳ tích mà “chỉ có những y bác sĩ chăm sóc Đại tướng bằng tất cả sự thương yêu, kính trọng mới có thể làm được”.
Con trai Đại tướng cũng chia sẻ: “Mấy hôm vừa rồi ông yếu đi nhanh. Ba tôi như người đã đi hết quãng đường, như ngọn đèn đã cạn dầu để rồi ra đi một cách nhẹ nhàng. Bên cạnh ông những giây phút cuối có đầy đủ con, cháu và những người thân cận nhất”.
Buổi chiều muộn 4/10, người thư ký thân cận nhất của Đại tướng, đại tá Nguyễn Văn Huyên, ở tuổi ngoài 80, bỗng òa khóc, khi nghe tin cấp báo tình hình nguy kịch của “anh Văn”.
Người làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử
Ở cách đúng một nửa vòng trái đất, chỉ vài giờ sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, Thượng nghị sĩ John McCain, một cựu binh Mỹ trong cuộc chiến tại Việt Nam, viết trên Twitter của mình: “Tướng Võ Nguyên Giáp đã từ trần - chiến lược gia quân sự kiệt xuất...”.
Bản tin của CNN sau đó đưa tin “vị tướng huyền thoại qua đời ở tuổi 102” với hơn 3.500 comment (phản hồi) chia sẻ.
New York Times có bài báo bình luận Đại tướng là người cuối cùng của thế hệ những nhà cách mạng sau Thế chiến thứ 2 từng giải phóng Việt Nam khỏi chế độ thực dân và chiến đấu với một siêu cường. “Với những đối thủ Mỹ, ông có lẽ là nhân vật thứ hai chỉ sau người thầy Hồ Chí Minh, là bộ mặt của đối thủ ngoan cường, không thể khuất phục”. Theo bài báo thì Đại tướng đã làm “cạn kiệt ngân khố Mỹ và đánh bại ý chí tiếp tục chiến đấu của Washington”.
Bản tin của AP gọi ông là vị tướng huyền thoại, “vị chỉ huy đội quân du kích đi dép cao su làm từ lốp xe... và đánh bại quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Chiến thắng không tưởng tượng nổi - đến giờ vẫn được nghiên cứu ở các trường quân sự trên thế giới - đem lại độc lập cho Việt Nam và đẩy nhanh sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân ở Đông Dương và trên trường quốc tế”. AP nói Đại tướng chưa bao giờ được đào tạo chính quy về quân sự và Đại tướng thường đùa là ông học quân sự “từ bụi rậm”, đồng thời cho biết kể cả khi nằm viện, Đại tướng vẫn minh mẫn và theo dõi sát sao các sự kiện thời sự.
Trang web của kênh truyền hình PBS của Mỹ thì có bài “Nhớ tướng Giáp, người mất ở tuổi 102” và gọi ông là “vị anh hùng quân sự vĩ đại nhất của Việt Nam, nổi tiếng trên thế giới vì phát triển kỹ, chiến thuật của chiến tranh du kích hiện đại”. Chương trình radio buổi sáng của NPR, đài tiếng nói quan trọng nhất của Mỹ, cũng có bàn tròn về tướng Giáp. Người dẫn chương trình Renee Montagne gọi ông là “vị tướng huyền thoại”.
Trong chương trình, NPR dẫn lại lời Cecil Currey, giáo sư sử học quân sự về Đại tướng. Giáo sư Currey ca ngợi Đại tướng là “sánh cùng với các vĩ nhân quân sự trong suốt 2.000 năm qua. Ông sánh ngang tầm với Alexander đại đế. Ông vượt tầm Napoleon. Ông vượt qua mọi vị tướng của chúng ta. Ông là nhân vật vĩ đại của mọi thời đại”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp được tôn vinh là một trong 21 vị danh tướng của thế giới trong 25 thế kỷ qua. Danh tiếng của ông được bạn bè năm châu bốn biển ngưỡng mộ sâu sắc. Các dân tộc châu Phi và Mỹ La-tinh tin rằng chiến thắng Điện Biên Phủ do ông chỉ huy là khởi nguồn cho nền độc lập hôm nay của họ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lần lượt đọ sức và đánh thắng 10 đại tướng của Pháp và Mỹ. Các tướng lĩnh Mỹ khi nhắc đến ông vẫn thường gọi ông là “Đại tướng 5 sao”, William Westmoreland gọi ông là “Tướng huyền thoại”. Trong Bách khoa toàn thư của Mỹ và của nhiều nước, tên và hình ảnh của ông được ghi lại như là một trong những danh nhân quân sự.
Sử gia Anh Peter Macdonald - tác giả cuốn “Giap, an assessment”, viết trong cuốn sách của mình, “ngày 25/8/1911, ở làng An Xá (tỉnh Quảng Bình), gần vĩ tuyến 17, đã sinh ra một con người sẽ là một trong những người hiếm hoi làm chuyển dịch dòng chảy của lịch sử. Người ấy sẽ xuất hiện trước toàn thế giới như vị tướng của một quân đội sơ khai nhưng đã chiến thắng hai cường quốc phương Tây, đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
(Theo Vneconomy)
Người gửi / điện thoại
CÔNG TY TNHH SẢN XUẤT & TM PPS VIỆT NAM
Địa chỉ: Miêu Nha - Tây Mỗ - Từ Liêm - Hà Nội
Điện thoại: (84-24) 220 60 659 Fax: (84-24) 3765 3825
E-mail: sale@pps.com.vn